TAG Heuer là thương hiệu gắn bó mật thiết với thể thao đua xe công thức 1. Carrera hay Monaco là các dòng đồng hồ được sáng tạo cho môn thể thao mạnh mẽ này. Tuy nhiên chính những chiếc Autavia mới thường xuyên được đeo bởi các tay đua công thức 1 trong suốt hai thập kỷ ra mắt.
Dòng đồng hồ Autavia được TAG Heuer tái sinh vào đầu năm 2017, với các tính năng mới và bộ máy độc quyền nhưng lịch sử ra đời dòng đồng hồ TAG Heuer Autavia ra đời từ năm 1962 và nhanh chóng trở thành một trong những chiếc đồng hồ chronograph được yêu thích nhất trong thời đại đó.
Là sự kết hợp giữa AUTOMotive (xe hơi) và AVIAtion (hàng không), tên gọi của Autavia lần đầu tiên được xuất hiện trên bảng điều khiển của đồng hồ Heuer được phát triển cho xe đua vào năm 1933. Gần ba thập kỷ sau đó, mùa hè năm 1961, ông Jack Heuer – thế hệ thứ tư tiếp theo trong gia đình Heuer đã quyết định tạo ra chiếc đồng hồ chronograph với vành bezel xoay.
Đây cũng là chiếc đồng hồ đầu tiên được đích thân Jack Heuer sáng tạo. Ông đã chọn cái tên “Autavia”, giống như đồng hồ nguyên mẫu ra mắt năm 1933 để đặt cho đồng hồ. Cỗ máy thời gian này được ra mắt thành công vào năm 1962 và sớm giành được vị trí biểu tượng trong thế giới ô tô. Các đại sứ thương hiệu đại sứ cho Autavia đều là những tay đua vĩ đại nhất trong làng Công thức 1: Jo Siffert, Jochen Rindt, Derek Bell, Jacky Ickx, Emerson Fittipaldi, Clay Regazzoni, Mario Andretti hay Gilles Villeneuve.
Mối quan hệ giữa thương hiệu Heuer và môn thể thao xe đua rất mạnh mẽ. Trên thực tế, bên cạnh các nhà sản xuất thuốc lá, Heuer là một trong những nhà tài trợ cho giải đấu Công thức 1 đầu tiên. Ngoài những chi tiết đặc trưng như vành bezel xoay, mặt số phụ lớn và sự tương phản mạnh mẽ trên mặt số, Autavia cũng tạo được tên tuổi nhờ sự ra mắt nhiều phiên bản khác nhau.
Chúng ta có thể kể đến những phiên bản với hai hoặc ba mặt số phụ, các thang đo khác nhau trên vành bezel, phiên bản GMT, phiên bản đồng hồ lặn và các phiên bản cho quân sự. Chính sự đa dạng này giúp cho Autavia thậm chí còn hấp dẫn hơn trong mắt của người sưu tập đồng hồ.
Như chúng ta sẽ thấy trong mẩu giới thiệu ở trên, Heuer đã cung cấp nhiều loại vành bezel cho Autavia - bao gồm thang đo tachymeter, 60 phút, 12 giờ, phút / giờ, thời gian lặn, và thang đo GMT.
Các mẫu Autavia được phân loại bởi các nhà sưu tập thành ba thế hệ chính.
Thế hệ đầu tiên bắt đầu vào năm 1962 đặc trưng với bộ vỏ bằng thép có kích thước 38 mm, càng nối dây cũng như mặt số màu đen đơn giản với các mốc giờ được phủ chất phát quang, các mặt số phụ lớn màu trắng và kim dauphine.
TAG Heuer Autavia 1962
Trong khi vẫn giữ nguyên vỏ đồng hồ và vành bezel, từ năm 1966 trở đi các mặt số màu trắng trở nên nhỏ hơn và kim dauphine đã được thay thế bằng mốc giờ và kim đồng hồ tiêu chuẩn hơn.
Tất cả các phiên bản Autavia của thời kỳ này được trang bị bộ máy chronograph lên dây cót bằng tay của Valjoux. Một số ví dụ đặc biệt là phiên bản 3 mặt số phụ mang mã hiệu 2446, sử dụng bộ máy Valjoux 72; phiên bản 2 mặt số phụ (mã hiệu 3446) sử dụng bộ máy Valjoux 92 và phiên bản GMT sử dụng bộ máy Valjoux 724, một biến thể từ bộ máy Calibre 72.
Năm 1968, Heuer giới thiệu thế hệ thứ hai của Autavia với một thiết kế hoàn toàn mới, nổi bật với càng nối dây mới với cạnh vuông cũng như vành bezel lớn hơn. Các phiên bản này được trang bị các bộ máy Valjoux 7730/7732, được thay đổi trở thành bộ máy ETA Valjoux 7750 nổi tiếng trong những năm tiếp theo.
Ra mắt vào năm 1969 tại hội chợ Basel, phiên bản thế hệ thứ ba Autavia được phát triển cùng với bộ máy mang tính cách mạng mang tên Chronomatic Calibre 11.
Vào thời điểm đó, việc phát triển những chiếc đồng hồ tự động trở thành một xu thế trong giới sản xuất đồng hồ và Heuer đã cố gắng để tạo ra một bộ máy đồng hồ có tính năng Chronograph tự động đầu tiên trên thế giới. Để đạt được mốc quan trọng này, Heuer đã xúc tiến hợp tác với Buren, Dubois Depraz và Breitling.
Buren là nhà sản xuất quan trọng, chuyên chế tác các bộ máy tự động siêu mỏng, Dubois Depraz là chuyên gia trong việc phát triển module Chronograph, còn Breitling một nhà sản xuất đã quá nổi tiếng với các mẫu đồng hồ chronograph. Thành quả của sự phối hợp này là một chiếc Chronograph tự động dạng module, được chế tạo dựa trên bộ máy cơ bản Buren. Bộ máy này hoạt động ở tần số 19.800 vph và có khả năng dự trữ năng lượng trong khoảng 42 giờ.
Heuer ban đầu dự định sử dụng bộ máy mới này trong mẫu Carrera nhưng bộ vỏ của đồng hồ này quá mỏng để chứa được bộ máy dày. Vì lý do này, nhóm nghiên cứu đã quyết định sử dụng bộ máy trên một chiếc Autavia mới.
Phiên bản mới này có bộ vỏ hoàn toàn mới, càng nối dây truyền thống của những phiên bản trước đã được thay thế bởi những càng nối dây tích hợp và núm vặn nằm ở bên trái để người đeo chú ý rằng chiếc đồng hồ không cần lên dây cót.
Trong ấn phẩm quảng cáo cho đến năm 1986, nhiều mẫu Autavia được giới thiệu rất thành công cho đến tận ngày nay và là một trong số những mẫu được săn lùng nhiều nhất bởi những nhà sưu tầm đồng hồ Chronograph.
Năm 2003, TAG Heuer đã tái sinh mẫu đồng hồ Autavia dựa trên phiên bản thế hệ thứ ba. Đây là mẫu Autavia đầu tiên có hiện logo TAG Heuer. Bộ vỏ đồng hồ bằng thép 42 mm có vành bezel cố định với thang đo tachymeter và được trang bị bộ máy tự lên dây cót Calibre 11.
Vào đầu năm ngoái, nhân dịp Baselworld 2017, Autavia cũng đã tổ chức kỷ niệm 55 năm ra đời với phiên bản hiện đại cùng các chức năng cập nhật và bộ máy độc quyền. Phiên bản này là kết quả của một chiến dịch tương tác được gọi là "Autavia Cup" vào năm 2016: từ sự lựa chọn 16 phiên bản cổ điển, hơn 50.000 người sử dụng web đã bỏ phiếu đề nghị phát hành lại mẫu Autavia "Rindt" được đeo bởi tay đua F1 nổi tiếng Jochen Rindt.
Phiên bản đồng hồ mới này trông mạnh mẽ hơn mẫu ra mắt trong những năm 1960 với kích thước lớn 42 mm, vành bezel 12 giờ và bộ máy độc đáo Chronograph Heuer-02 . Phiên bản Autavia mới nhất kế thừa những đặc trưng và tính thẩm mỹ của phiên bản gốc, nhưng được cập nhật để phù hợp thị trường ngày nay. Các tính năng của đồng hồ được thiết kế theo yêu cầu hiện đại: bộ máy tự lên dây cót, khả năng trữ cót trong 80 giờ, cửa sổ ngày ở góc 6 giờ, khả năng chống nước đến 100 mét.
Trong bộ cánh bằng nhôm aluminium đen, vành bezel xoay hai chiều bao quanh mặt số màu đen với ba bộ đếm màu trắng đảm bảo sự rõ ràng tuyệt vời nhờ lớp phủ phát quang Super LumiNova màu be, gợi nhớ đến lớp màu trên những chiếc đồng hồ cổ điển.
Chữ "Heuer-02" trên cửa sổ ngày nhắc nhở đến một trong những đổi mới quan trọng của phiên bản hiện đại: đó là bộ máy độc quyền Heuer-02 hoạt động ở tần số 4Hz. Chỉ dày có 6,9 mm, bộ máy tự lên dây cót này bao gồm 233 linh kiện, một bánh xe trụ và một bộ ly hợp đứng.
Với mẫu Autavia mới này, TAG Heuer đã khôi phục thành công chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng của thương hiệu trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
- Nguồn: Internet -
Cung cấp hàng sỉ từ Mỹ:http://www.onncom.com/Xem chi tiết sản phẩm tại:http://www.onncom.com/dong-ho-vi-vi-2/