Công nghệ càng phát triển thì nhu cầu di động của con người ngày càng cao. Cùng với xu hướng này là sự ra đời hàng loạt của các sản phẩm “không dây”. Vài năm trở lại đây, thị trường âm thanh đánh dấu sự đổ bộ ồ ạt của những chiếc loa Bluetooth và Harman Kardon Onyx Studio là cái tên đã làm tốn khá nhiều giấy mực của các trang công nghệ nổi tiếng trên thế giới.
Đôi nét Harman Kardon
Chúng ta không quá xa lạ gì với thương hiệu này, nhất là đối với những tay chơi đồ âm thanh chuyên dụng. Harman/Kardon là chi nhánh của tập đoàn Harman có trụ sở đặt tại Mỹ, sản phẩm chính của công ty là các thiết bị âm thanh dùng trong nhà và ô tô.
Loa vi tính của Harman Kardon bắt đầu được nhiều người biết đến với sản phẩm iSub 2000 Subwoofer và Soundticks ra mắt năm 2000. Đặc biệt dòng Soundstick cho đến nay đã ra tới ba phiên bản và là niềm mơ ước của rất nhiều bạn trẻ yêu âm thanh tại Việt Nam. Soundstick được tung hô trên rất nhiều các diễn đàn công nghệ và giành được nhiều giải thưởng đắt giá về thiết kế trên toàn thế giới.
Năm 2014, Harman/Kardon giới thiệu đứa con cưng của mình tới đông đảo tín đồ âm nhạc: Loa Bluetooth Onyx Studio, lớn hơn hầu hết các loại loa Bluetooth khác. Sản phẩm trong bài đánh giá lấy từ hệ thống Xuân Vũ Media (tainghe.com.vn) với giá hiện tại là 4,28 triệu đồng.
Thiết kế
Ấn tượng đầu tiên với loa là bạn sẽ cảm tưởng chỉ thiếu chút nữa là mình đã có trên tay cái khiên của Captain America. Kích thước Onyx Studio khá “lạ” khi so với một loa Bluetooth thông thường. Loa là có hình tròn với đường kính khoảng 28cm, dày 13cm với hai chân kim loại được thiết kế để khi đặt loa luôn hướng lên trên một góc 30 độ. Toàn thân loa là nhựa cao cấp được phủ một lớp vỏ mịn.
Phía trước loa là tấm chắn bằng vải cứng với logo Harman Kardon được sơn bóng. Bạn có thể dễ dàng tháo tấm chắn này ra để nhìn thấy kết cấu loa của Onyx.
Phía sau loa là một Passive Bass Radiator có tác dụng cộng hưởng với loa bass làm tăng chất lượng âm trầm. Khi mới bóc hộp, phần này của Onyx sẽ được bọc một tấm nhựa nhỏ rất khó phát hiện, bạn cần tháo nó ra để nghe được tiếng bass đích thực của Onyx. Harman Kardon làm điều này để tránh sự va đập khi vận chuyển làm tổn hại đến loa bass. Khi nghe những bản nhạc có nhiều tiếng trống, đặc biệt là cá thể loại nhạc Dance và EDM, bạn sẽ thấy màng loa phía sau di chuyển rất “ác liệt”.
Đặc điểm kỹ thuật và chức năng
Các phím điều khiển loa được tối giản tới mức ít nhất có thể. Xung quanh viền loa là các nút nguồn, 2 nút volume và nút để kết nối bluetooth. Đằng sau loa là cổng micro USB và cổng nguồn để xạc pin. Cổng micro USB chỉ dành cho việc cập nhật Firmware của loa. Onyx Studio không có bất kỳ một đường cắm dây âm thanh nào khác. Muốn loa phát ra âm thanh, bạn bắt buộc phải kết nối qua Bluetooth. Có vẻ như Harman Kardon muốn đơn giản hóa các kết nối của Onyx tới mức tối thiểu để giúp loa trở nên gọn gàng hơn khi đặt trong nhà.
Onyx Studio là một chiếc loa di động, nhưng với ngoại hình quá khổ của nó thì bạn không thể bỏ vào túi xách để mang đi chơi. Bạn có thể cầm loa di chuyển qua lại giữa các phòng để thưởng thức âm nhạc ở bất cứ đâu trong ngôi nhà bạn. Thời lượng pin của Onyx Studio là 5 giờ (2600mAh) với âm lượng loa để ở mức trên trung bình, loa sẽ nhanh hết pin hơn nếu để âm lượng tối đa.
Harman Kardon Onyx Studio được trang bị hai loa trầm với đường kính 7.5cm, hai loa tép đường kính 2cm và hai loa cộng hưởng âm với dải tần đáp ứng từ 60Hz tới 20kHz. Tổng công suất của các loa lên tới 60W, một con số không hề nhỏ đối với một loa di động có kích cỡ như của Onyx, điều này hứa hẹn âm thanh của Onyx Studio sẽ làm hài lòng người nghe ngay cả khi bạn nghe trong một không gian lớn.
Về phần chức năng, Onyx tương thích với tất cả các bị phát ra âm thanh có Bluetooth từ iPod, iPhone, iPad tới các điện thoại chạy hệ điều hành Android, Windows Phone,… Thao tác kết nối rất đơn giản, chỉ cần bấm là chạy.
Chất lượng âm thanh
Đây là phần trọng tâm của bài đánh giá này sẽ giải thích vì sao Harman Kardon Onyx Studio lại được quan tâm đến vậy.
Khi lựa chọn một bộ loa, ngoài hình thức bên ngoài, một bộ loa tốt còn phải có chất lượng âm thanh tốt. Mọi người nghĩ rằng chất lượng âm thanh của loa không dây sẽ không hay bằng loa có dây, nhất là với loa Bluetooth. Tín hiệu âm thanh để truyền qua được sóng Bluetooth bắt buộc phải nén lại nên âm thanh phát ra là âm thanh 1 kênh (Mono) chất lượng thấp với âm lượng nhỏ, hay bị loẹt xoẹt, bị vỡ tiếng. Nhưng đấy chỉ là câu chuyện của 6 năm trước, ngày nay, với sự ra đời của công nghệ Bluetooth v3 và A2DP (Advanced Audio Distribution Profile), âm thanh khi truyền qua Bluetooth sẽ đầy đủ 2 kênh (Stereo) với chất lượng ngang ngửa một đĩa CD. Onyx Studio tích hợp đầy đủ hai công nghệ trên.
Điều gây ấn tượng với chúng tôi ngay lần nghe đầu tiên chính là sự dễ chịu trong âm thanh của Onyx cùng với âm lượng rất lớn. Loa có thể lan tỏa âm thanh để làm đầy một phòng rộng khoảng 25m vuông. Thâm chí khi đặt trong phòng khách rộng 36m vuông, chúng tôi cũng chỉ để mức âm lượng 70% là thấy khá to rồi. Đặc biệt khi mở âm lượng tới mức cực đại, loa cũng không bị vỡ tiếng, một điểm cộng lớn cho Onyx Studio so với các loa Bluetooth cùng tầm giá. Các bạn không thể tìm được một chiếc loa Bluetooth thứ hai trên thị trường có âm lượng lớn hơn Onyx Studio.
Âm lượng lớn của Onyx có được một phần nhờ thiết kế hơi “quá khổ” của nó. Tuy nhiên, chỉ mức âm lượng lớn thôi thì chưa đủ làm hài lòng những người nghe nhạc khó tính. Điều ngạc nhiên thứ hai đến từ Onyx Studio chính là âm bass tròn vành vạnh của nó. Mặc dù âm trầm không xuống sâu như những dàn loa 2.1 có thêm thùng loa sub, nhưng bass của Onyx cũng phải tương đương với các dàn loa vi tính 2.0 công suất lớn. Với sự giúp sức của hai loa trầm kèm theo một loa cộng hưởng đằng sau khiến Onyx có tiếng bass hơn hẳn các loại loa không dây khác.
Bass chưa đạt đến độ uy lực nhưng rất nảy, không có đuôi, kiểm soát tốc độ rất khá và xuống đủ sâu để làm nền cho một bản nhạc khi cần thiết. Onyx có một tiếng bass “mềm mại của sự hiện đại”, không quá phô trương “hùng hục” và cũng không quá ù ù theo kiểu “trầm hùng”. Chính vì chất bass này mà Onyx phù hợp với tất cả các thể loại nhạc từ Pop, Dance, Rock tới Acoustic, Classical, New Age…
Nếu bạn ấn tượng với âm bass của Onyx Studio và là người nghe nhạc lâu năm thì chắc hẳn âm trung của loa còn khiến bạn bất ngờ hơn nữa. Giọng hát của ca sĩ được đẩy lên làm trung tâm của sự chú ý, không quá phô diễn kỹ thuật mà quyện chút hương vị ngọt ngào trong mỗi nốt nhạc. Khi giọng hát của Jason Mraz cất lên trong bản nhạc đồng quê “I’m Yours”, bạn sẽ giật mình vì cứ tưởng Jason đang đứng hát trước mặt mình.
Độ chân thực trong âm trung của loa đủ để khiến bạn hòa mình vào từng câu chữ trong bài hát, tận hưởng bản nhạc theo cách chưa từng có với một chiếc loa Bluetooth. Loa thể hiện chân thực đến nỗi bạn có thể nghe rõ từng lần lấy hơi của ca sĩ, nhất là các diva như Withney Houston, Mariah Carry, Celine Dion. Trong bản nhạc bất hủ “I’ll Be There” của nhóm The Jackson 5 (ban nhạc nhí có Michael Jackson là giọng ca chính) được Mariah Carey cover lại vào năm 1992, bạn có thể cảm nhận được từng tiếng lấy hơi của Mariah Carey và từng luồng hơi trong âm gió đã trở thành thương hiệu của cô đều được Onyx tái hiện lại chân thực.
Giải âm trung của Onyx Studio còn thể hiện đặc tính âm thanh tách bạch của loa theo đúng “chất” Harman/Kardon. Giọng của ca sĩ hoàn toàn tách ra khỏi với tiếng nhạc cụ trong bài hát. Bạn có thể đếm được trong đầu số nhạc cụ được chơi trong một bản nhạc khi tận hưởng âm thanh từ Onyx.
Việc đòi hòi tái tạo một không gian nghe nhạc cho một chiếc loa di động là điều gần như không thể nhưng Onyx vẫn làm hài lòng người nghe nhạc ở khoản này. Âm trường của loa chưa thực sự ấn tượng nhưng về chiều sâu của âm thanh thì Onyx không hề kém cỏi. Cảm nhận về âm thanh phát ra của loa có một khoảng cách tương đối với người nghe nhạc. Âm thanh sẽ bao trùm cả căn phòng bạn để có thể đem lại trải nghiệm âm thanh tốt nhất khi bạn ở bất cứ vị trí nào trong phòng. Tuy nhiên, chúng tôi thấy bạn nên đặt loa ở vị trí ngang với tai nếu muốn tận hưởng sự tinh tế trong âm thanh của Onyx một cách đầy đủ nhất.
Nếu âm trầm và âm trung đủ sức gây cho bạn ấn tượng mạnh, thì âm cao của Onyx lại không làm được như vậy. Âm tép (treble) chỉ ở dừng ở mức trung bình. Âm cao của loa có phần hơi thiếu trong một số thể loại nhạc như Rock, Metal hoặc những bài nhạc sử dụng nhiều chũm chọe (một nhạc cụ trong bộ trống, còn gọi là chập chõa, cymbal). Điều này sẽ là điểm trừ cho Onyx Studio đối với những bạn yêu thích âm cao, hay còn gọi là treblehead.
Khi nghe bài “Radioactive” của Imagine Dragon, tiếng bass của Onyx “dội” xuống đầy uy lực, đủ để khiến mặt bàn rung lên và tim bạn đập nhanh hơn kha khá. Tiếng bass không hề lấn sang các dải âm khác của loa. Bạn vẫn có thể nghe được từng câu chữ trong bài hát với những tiếng gằn của giọng nam ca sĩ chính trong bài. Thử sức tiếp bass của loa với track “Crazy In Love” của Beyoncé Knowles (bản Remix 2014 trong phim “50 sắc thái”), tiếng bass tạo được sức nặng với mỗi nhịp trống đập xuống. Uy lực của bass cộng với tiếng “rên rỉ” như rót mật vào tai của Beyoncé chắc chắn sẽ khiến bạn “rạo rực” khi thưởng thức bản Remix này trên Onyx Studio.
Ngoài việc thể hiện xuất sắc giọng hát của các ca sĩ, Onyx còn đem đến cho người dùng một trải nhiệm tuyệt vời khi nghe thể loại New Age hay nhạc hòa tấu. Với sự tách bạch trong âm thanh của mình, Onyx đã thổi hồn vào bản nhạc “Lotus” của bạn nhạc nổi tiếng Secret Garden với tiếng đàn Violin vang lên da diết. Nếu bạn nghe nhạc với Onyx Studio trong một không gian tĩnh lặng thì chắc hẳn bạn sẽ được cảm nhận hết phần hồn của một bài hát do Onyx đem lại.
Tuy vậy, chúng tôi có sự hụt hẫng nhẹ khi nghe bài “Let Me Put My Love Into You” với Onyx, một bản Hard Rock kinh điển của AC/DC. Brian Johnson vẫn phô diễn được chất giọng Rock cao vút mạnh mẽ của mình nhưng sự thiếu hụt một chút của âm cao đã khiến bản nhạc mất đi sự hoàn hảo. Cảm giác “bay bay”, rõ nét trong âm cao được Onyx thể hiện thiếu tinh tế. Tuy nhiên, nếu âm cao của Onyx mà hoàn hảo nữa thì sẽ chả ai muốn mua những bộ loa không dây khác trên thị trường.
Kết luận
Với sự trang nhã trong thiết kế, một chất âm đúng chất Harman Kardon vượt trội hơn hẳn các loa không dây khác, Onyx Studio là chiếc loa Bluetooth rất đáng mua hiện nay. Đây là sản phẩm sẽ xóa bỏ định kiến người dùng về loa di động.
Ưu điểm:
+ Âm thanh ấn tượng, âm trầm và âm trung tốt
+ Âm lượng lớn
+ Thiết kế đẹp, sang và chất lượng gia công sản phẩm cao
+ Tích hợp nhiều công nghệ hiện đại
+ Thích hợp nghe nhiều thể loại nhạc
Nhược điểm:
– Loa hơi cồng kềnh so với mặt bằng chung của loa di động
– Âm tép (treble) chưa được tốt
Cung cấp hàng sỉ từ Mỹ www.onncom.com.
Xem chi tiết sản phẩm tại: http://www.onncom.com/loa-bluetooth-vi/