Đúng năm 1975, giữa cơn sóng thần thạch anh, việc sản xuất dòng đồng hồ King Seiko đã chấm dứt hoàn toàn kể từ khi nó bắt đầu vào năm 1964. Thời gian “trị vì” ngắn ngủi của nó xen lẫn huy hoàng và thất bại thế giới máy đo thời gian để rồi bị vùi lấp giữa thời gian cho đến nay.
◆ Nếu được sống ở thời đại của những năm 60, 70 và 80, chắc chắn bạn sẽ chứng kiến được những cuộc chiến, chạy đua khốc liệt bậc nhất thế giới đồng hồ kể từ khi chúng ra đời: cuộc chiến đồng hồ đeo tay, chiến tranh đồng hồ Automatic, chạy đua nâng tần số dao động và khủng hoảng đồng hồ thạch anh.
Mẫu đồng hồ King Seiko 45-7001
◆ Và trong danh sách những kẻ chiến bại đó có tên King Seiko, lần lượt bởi chính các đồng hương của mình – Grand Seiko và đồng hồ thạch anh mà không phải ai khác. Thất bại này đã khiến vị vua của độ chính xác một thời từ Nhật Bản đã phải trở thành dĩ vãng.
◆ Cho đến ngày nay, khi mà cơn bão mang tên “thạch anh” suýt nhấn chìm ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ đã đi qua, vô số dòng đồng hồ cơ khí đã được hồi sinh kể cả đối thủ một thời Grand Seiko nhưng đồng hồ King Seiko cũng chỉ là tàn tích với bản phát hành kỷ niệm vào năm 2000 và rồi xem như sáp nhập vào dòng Grand Seiko.
◆ King Seiko đã thực sự chết vào năm 1975, khép lại tất cả thăng trầm mã nó đã trải qua cũng như chấm dứt cuộc nội chiến đồng hồ sang trọng Seiko với tư cách là kẻ thua cuộc để nhường chỗ cho dòng đồng hồ Grand Seiko máy thạch anh. Thời cuộc này cũng khiến Grand Seiko máy cơ bị khai tử sau đó một năm.CÂU CHUYỆN VỀ DÒNG ĐỒNG HỒ KING SEIKO
■■ Ngày nay, mặc dù tập trung nhiều vào phân khúc giá hợp lý, tầm trung nhưng Seiko cũng không hề bỏ qua mảng sản phẩm cao cấp, sang trọng mà hai thương hiệu con tiêu biểu đó là Grand Seiko và Credor. Tuy nhiên, thời gian trước đây, giai đoạn 1960 đến năm 1975 còn có sự tồn tại của King Seiko.
■■ Cả hai dòng đồng hồ King Seiko và Grand Seiko đều kế thừa Cronos, dòng sản phẩm chủ đạo của Seiko sản xuất từ năm 1958 đến năm 1964 có thiết kế rất thanh lịch, sang trọng nhưng không đắt tiền. Thay thế Seiko Cronos, King Seiko và Grand Seiko đã mở màn cho phân khúc cao cấp mà trước nay Seiko vẫn vắng bóng.
LẬT LẠI TỪNG TRANG LỊCH SỬ ĐỒNG HỒ KING SEIKO
■■ Công ty Seiko bắt đầu vào năm 1881 với cái tên K.Hattori tại Toyko chuyên sửa chữa và bán đồng hồ nhập khẩu. Kể từ ngày đó, họ dần lớn mạnh rồi có khả năng tự sản xuất đồng hồ thoát khỏi tình trạnh phụ thuộc vào phương Tây và xuất khẩu ra nước ngoài trong thế chiến thứ I.
■■ Trong nhiều thập kỷ tiếp theo, việc sản xuất dần dần đa dạng khiến Seiko thành lập thêm công ty con Daini Seikosha vào năm 1937, chịu trách nhiệm sản xuất đồng hồ. Công ty này lại tiếp tục thành lập nhà máy mới của mình tại Suwa năm 1943 dưới sự hợp tác với Daiwa Kogyo.
■■ Tuy nhiên, sự bùng nổ của Thế chiến II khiến nhà máy Suwa bị phá hủy, sang năm 1959, sau khi được xây dựng lại, nó đã hợp nhất với Daiwa Kogyo để trở thành Suwa Seikosha Co., Ltd. không còn phụ thuộc Daini Seikosha và trở thành công ty độc lập trong Seiko.
■■ Bằng cách tách hai nhà máy, Seiko hy vọng thúc đẩy cạnh tranh trong nội bộ công ty và đổi mới. Cùng sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Seiko nhưng Suwa Seikosha đã phân biệt đồng hồ của họ với Daini Seikosha bằng một biểu tượng “lốc xoáy” cách điệu, về phần Daini Seikosha, biểu tượng là “tia chớp”.
Phân biệt sản phẩm của Daini và Suwa qua biểu tượng
■■ Điều kỳ quặc là dù có quy mô to lớn nhưng công ty đồng hồ này lại không hề có bộ phận thiết kế chuyên dụng. Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều sản phẩm rất “vớ vẩn”, trùng lặp, không hấp dẫn được làm ra, làm giảm sức cạnh tranh với các nhà sản xuất phương Tây.
■■ Đến tận năm 1956, trước khi trở thành Suwa Seikosha thì nhà máy Suwa mới thành lập một bộ phận thiết kế chịu trách nhiệm thiết kế mặt số đồng hồ, còn việc thiết kế vỏ ngoài vẫn do bộ phận sản xuất vỏ đảm nhận.
■■ Sang năm 1958 thì tới lượt công ty Daini Seiko bắt đầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ đại học và rồi năm 1959 họ đã tuyển dụng Taro Tanaka vào K.Hattori & Co. cho bộ phận thiết kế.
Công ty Daini Seikosha vào năm 1937
“GRAMMAR OF DESIGN” QUY TẮC THIẾT KẾ CỦA DÒNG KING SEIKO
“Khi tôi nhìn vào một trong những bộ vỏ, tôi thấy nhiều chiếc đồng hồ lấp lánh rực rỡ, sau đó tôi nhìn sang phía bên kia và nhìn thấy những chiếc đồng hồ có độ sáng không đều, sự khác biệt rất rõ ràng, đồng hồ sáng lấp lánh của Thụy Sĩ và những chiếc mờ đục của Seiko”
Nhận ra rằng Seiko đã tụt hậu trong thiết kế, kể từ khi gia nhập, nhà thiết kế trẻ Taro Tanaka đã giúp công ty bước sang chương mới về nghệ thuật trong thiết kế đồng hồ. Nổi bật hơn hết đó là ông đã tạo ra quy tắc thiết kế “Grammar of Design”:
1. Tất cả bề mặt và góc nhìn từ vỏ, mặt số, bàn tay và vạch số phải phẳng và hoàn hảo về mặt hình học để phản chiếu ánh sáng tốt nhất
2. Viền Bezel phải là hai đường cong hai chiều đơn giản
3. Không chấp nhận có bất cứ bóp méo thị giác nào từ mọi góc độ và tất cả bề mặt vỏ phải được đánh bóng gương
4. Tất cả các bộ vỏ phải là duy nhất cho mỗi mẫu mã, không được có thiết kế chung chung
◇ Chương trình thiết kế mới của Tanaka đã dẫn tới việc kiểm soát sản xuất nghiêm ngặt hơn về sự hoàn thiện trên đồng hồ của Seiko và ông tin tưởng đó điều cơ bản để các sản phẩm Seiko có chất lượng tương ứng với những đối thủ Thụy Sĩ.
◇ Trong một cuốn sách của Seiko, “A Journey in Time”, Tanaka đã nhớ lại những nỗ lực đầu tiên để mô tả công việc của mình cho đồng nghiệp bởi vào thời điểm đó, một nhà thiết kế đồng hồ không tồn tại. Chỉ vài năm sau, quy tắc của Tanaka đã ảnh hưởng đến thập kỷ tiếp theo của thiết kế Seiko, đặc biệt là dòng Grand và King Seiko.
SỰ RA ĐỜI CỦA DÒNG ĐỒNG HỒ NHẬT BẢN CAO CẤP KING SEIKO
Chiếc đồng hồ King Seiko đầu tiên ra mắt công chúng năm 1964 ►
■■ Ngay sau khi Taro Tanaka bắt tay xây dựng mảng thiết kế, hai công ty con của Seiko là Daini Seikosha và Suwa Seikosha được đề cập ở trên cũng theo sau, tiến hành vào nghiên cứu sản xuất đồng hồ theo quy chuẩn mới.
■■ Vào năm 1960, Suwa Seikosha trẻ trung nhanh nhạy hơn đã cho ra mắt đồng hồ cao cấp Grand Seiko Ref. 3180 kim Dauphine, thương hiệu Grand Seiko được viết theo kiểu cách điệu và cuối cùng là độ chính xác chuẩn “Chronometer” thử nghiệm nội bộ (-3/12 giây mỗi ngày).
■■ Lúc này, Daini Seikosha mới kịp phản ứng lại và cho ra đời sản phẩm cạnh tranh với tên gọi King Seiko vào năm 1964 (được phát triển từ 1961). Đây cũng là một sản phẩm đồng hồ đeo tay cao cấp.
Chiếc đồng hồ King Seiko 44KS, sản phẩm chính thức đầu tiên dòng KS tuân theo Grammar of Design (dây đã được thay đổi)
■■ Chiếc đồng hồ King Seiko đầu tiên được trang bị máy lên dây thủ công 25 chân kính, tuy nhiên King Seiko không sử dụng “Chronometer” vì nó không được kiểm tra nội bộ bởi Daini.
■■ Đồng hồ King Seiko có hai bản bằng thép và mạ vàng như Grand Seiko nhưng việc thiếu “Chronometer” đã đặt nền móng cho việc nó được coi là “kém hơn” Grand Seiko.
■■ Sau đó, Grand Seiko tiếp tục tung ra 57GS với vỏ tuân thủ theo quy tắc thiết kế Tanaka khiến Daini Seikosha lần nữa đáp trả trong cùng năm 1964 bằng cách phát hành mẫu King Seiko 44KS, với độ chính xác Chronometer (sau này gọi là 4420B/44Grand Seiko do “phản đối Chronometer”), tuân theo Grammar of Design.
Từ trái qua: nắp lưng có huy chương của đồng hồ King Seiko – KS có tia chớp của Daini và Grand Seiko – GS có lốc xoáy của Suwa. (Cũng xin lưu ý là Suwa Seiko cũng sản xuất cả King Seiko, như trong ảnh thứ 3 từ trái qua KS với lốc xoáy)
■■ Tương tự 57GS, 44KS cũng trang bị một huy chương bằng vàng chữ nổi thương hiệu Seiko, KS và biểu tượng tia chớp của King Seiko trong khi đối thủ là thương hiệu Seiko, GS và biểu tượng lốc xoáy của Grand Seiko.
■■ Đồng hồ King Seiko 44KS là một trong những điểm sáng nổi bật của dòng đồng hồ King Seiko được các nhà sưu tập đánh giá có chất lượng ngang với Grand Seiko. Nó có Screw Down Caseback đảm bảo chịu nước 50 mét và vỏ chỉ được làm bằng thép không gỉ.
Có một khác biệt hấp dẫn của một số mẫu King Seiko so với Grand Seiko đó chính là “external adjusting screw”, ốc điều chỉnh nhanh/chậm dao động ngay ngoài vỏ để người dùng có thể tự tinh chỉnh độ chính xác cực nhanh không cần đến dịch vụ chuyên nghiệp
TỪ THẤT BẠI ĐẾN CHIẾN THẮNG KHI SEIKO VẤP PHẢN ĐỐI TỪ THỤY SĨ KHI SỬ DỤNG “CHRONOMETER”
■■ Hiệp hội Chronometer chính thức của Châu Âu (European Chronometer Official Association) cho rằng một chiếc máy đo thời gian (đồng hồ chính xác cao – chronometer) phải được kiểm tra độc lập để được trao danh hiệu đó. Do đồng hồ Seiko không được kiểm tra độc lập vì thế chúng không thể là máy đo thời gian.
■■ ECOA đã viết một bức thư nghiêm khắc để yêu cầu Seiko ngừng sử dụng “Chronometer” cho cả hai dòng đồng hồ Grand và King Seiko. Dưới sức ép đó, Seiko bắt buộc và ngừng sử dụng “Chronometer” trên đồng hồ của mình.
“Để đáp điều này, Hiệp hội Cấp phép Chronometer Nhật Bản (Japanese Chronometer Authorization Association) bắt đầu hoạt động vào năm 1968 với tư cách là một nhóm độc lập để kiểm tra đồng hồ theo các tiêu chuẩn của chronometer. Tuy vậy, Hiệp hội này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do sự xuất hiện của đồng hồ thạch anh và đóng cửa vào năm 1983.Lúc này, với đồng hồ thạch anh chính xác hơn đồng hồ cơ nhiều, tiêu chuẩn Chronometer đã không còn cần thiết, ít nhất là với Nhật Bản. Tuy vậy, trong thời gian tồn tại, tổ chức Chronometer của Nhật Bản JCAA đã cấp phép cho các dòng máy cao cấp 45, 56, 52 của King Seiko chính thức.”
Máy lên dây thủ công 4502 có khắc số Chronometer của đồng hồ King Seiko (nằm giữa tên máy và “JAPAN”)
■■ Sau những phản đối từ Thụy Sĩ, cũng trong năm 1964, Dani và Suwa Seikosha đã tham gia vào các cuộc thử nghiệm tại Astronomical Observatory Chronometer Concours ở Neuchatel. Những nghiên cứu này được thực hiện nghiêm ngặt hơn nhiều so với các bài kiểm tra chronometer thường kỳ.
■■ Muốn vượt qua, độ lệch trung bình hàng ngày phải trong vòng +/- 0,75 giây, sự thay đổi độ chính xác bởi nhiệt độ trong khoảng +/- 0,20 giây mỗi ngày và thời gian thử nghiệm là 45 ngày. Đó là một thảm hoạ. Suwa Seiko hạng 144 và Daini Seiko hạng 153.
■■ Thất bại thảm hại nhưng Seiko vẫn bền chí, họ quay lại các cuộc thử nghiệm của Neuchatel Observatory vào năm 1967 với những thay đổi rất ấn tượng. Daini đạt hạng 4, 5, 7 và 8 còn Suwa đạt hạng 12. Đáng tiếc là năm kế tiếp, cuộc thử nghiệm này đã bị đình chỉ.
■■ Thời gian sau đó, cuối những năm 60, thế hệ sau của King Seiko 44KS là loạt đồng hồ Hi-Beat – King Seiko 45 (còn gọi là 45GS), được sản xuất với hàng loạt kiểu vỏ, thiết kế và tiêu chuẩn độ chính xác, từ chuẩn nội bộ KS cho đến Superior Chronometer (-6/9 giây mỗi ngày), 36000 vph.
Mẫu đồng hồ King Seiko 45-7001 có máy dao động ở 36000 vph cho độ chính xác cao hơn
■■ Nhưng thật ra thì nó vẫn chậm chân hơn Grand Seiko 61GS từ Suwa, sản phẩm đồng hồ cao cấp đầu tiên của Seiko chạy ở tần số 36000 vph. Bời thế, không có gì lạ khi 61GS được đánh giá là một trong những chiếc Grand Seiko hấp dẫn nhất đối với các nhà sưu tập ngày nay.
■■ Cuối cùng, trước khi cuộc khủng hoảng thạch anh thay đổi mọi thứ, chiếc KS 5246 đã được phát hành, cũng là Hi-Beat nhưng tần số dao động chỉ là 28.800 bph, ít hơn Hi-Beat thực sự nhưng cao hơn những gì được xem là chuẩn Hi-Beat thời đại này.
■■ Trong những năm 1970 về sau, các quy tắc thiết kế nghiêm ngặt của Taro Tanaka bị suy yếu và kết quả của nó là Seiko phát hành một số Grand Và King Seiko trong hình bầu dục, hình bầu, hình vuông, ngày càng mất đi bản sắc của “Grammar of Design” lẫy lừng một thời.
KẾT THÚC, CẢ KING VÀ GRAND SEIKO ĐỀU GỤC NGÃ TRƯỚC THẠCH ANH
▬ Seiko không phải là thương hiệu duy nhất nghiên cứu phát triển máy thạch anh vào những năm 1960 nhưng họ là những người đầu tiên công bố nó. Vào ngày Giáng sinh năm 1969, Seiko phát hành Astron và thay đổi thế giới của đồng hồ đeo tay mãi mãi.
▬ Mặc dù Seiko đã thu được thành công từ cuộc cách mạng thạch anh của mình nhưng cũng đồng thời tự tay kết liễu cả hai dòng đồng hồ cao cấp nhất lúc bấy giờ của hãng, King Seiko và Grand Seiko máy cơ.
▬ Sau một thời gian lay lất sản xuất đồng hồ thạch anh dưới thương hiệu King Seiko và Grand Seiko, một quyết định từ tổng công ty Seiko vào năm 1975 đã chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất tất cả đồng hồ thương hiệu King Seiko vốn không mạnh bằng Grand Seiko để tập trung cho đồng hồ thạch anh Grand Seiko.
▬ Ngay cả khi Grand Seiko cơ khí được hồi sinh vào năm 1998 (Grand Seiko 9SGS) bởi Seiko Instruments (trước đây là Daini Seikosha) chứ không phải Seiko Epson (trước đây là Suwa Seikosha) “tuyệt đối trung thành” chỉ với Grammar of Design, dòng đồng hồ King Seiko vẫn chỉ được tái phát hành trong thời gian ngắn theo hình thức bộ sưu tập kỷ niệm vào năm 2000. (Có vẻ như đây là điều chứng minh cho việc năm xưa King Seiko đã thua cuộc trước Grand Seiko rõ ràng nhất dù bao nhiêu năm trôi qua).
▬ Đó là mẫu King Seiko Ref. SCN001 đã được thiết kế dựa trên Ref. 5626-711X với một bộ máy lấy nền tảng từ máy 52 Daini. King Seiko Ref. SCN001 là chiếc đồng hồ King Seiko cuối cùng. Đó là dấu chấm hết cho dòng sản phẩm từng một thời là cao cấp nhất nhì từ Seiko.
SẼ CÓ TƯƠNG LAI NÀO CHO DÒNG KING SEIKO?
* Vào năm 2017, sau một thời gian dài hoạt động mạnh mẽ đầy thành công với tư cách là thương hiệu con, cuối cùng Grand Seiko đã được Seiko tuyên bố trở thành thương hiệu độc lập còn King Seiko vẫn tiếp tục bị chôn vùi. Có lẽ, chính Seiko cũng không muốn một cuộc nội chiến nào xảy ra nữa, ít nhất là trong tương lai gần.
* Có lẽ vì thế mà đối với một nhà sưu tập hiện đại, dòng đồng hồ King Seiko là một lựa chọn hợp lý hơn để khám phá sâu vào loạt sản phẩm Seiko cao cấp. Sự tồn tại của nó đánh dấu một thời kỳ vàng son của ngành công nghiệp đồng hồ Nhật Bản, thời đại của những phát minh và những cuộc chiến khốc liệt nhất.
Tổng hợp từ timepiecechronicle, seiyajapan, fratellowatches
Cung cấp hàng sỉ từ Mỹ:http://www.onncom.com/Xem chi tiết sản phẩm tại:http://www.onncom.com/dong-ho-vi-vi-2/