Apple vừa phải lên tiếng xin lỗi người dùng vì hành động cố tình làm chậm những chiếc iPhone đời cũ khi pin của máy bị chai. Tuy công ty này cho rằng đây là cách hữu hiệu để tăng thời gian hoạt động của iPhone giữa các lần sạc, không ít fan Táo vẫn cảm thấy bất bình. Làn sóng kiện tụng nổ ra, đòi hãng phải bồi thường thiệt hại tới 999 tỷ USD.
Thậm chí có vụ kiện hình sự tại Pháp cáo buộc Apple đã vi phạm luật pháp nước này. Hầu hết vụ kiện đều cho rằng Apple đã không thông báo cho người dùng về việc làm chậm iPhone, đồng thời cũng không nói cho họ biếtiPhone sẽ đạt tốc độ nhanh trở lại nếu thay pin mới.
Từ lâu người dùng đã nghi ngờ iPhone cũ bị chậm đáng ngờ.
Vậy câu chuyện này nói lên điều gì về quyền của người dùng với sản phẩm điện tử?
Scandal mới nhất của Apple thú vị ở chỗ từ lâu người dùng đã nghi ngờ iPhone của họ bị chậm một cách đáng ngờ. Tuy nhiên, mọi việc chỉ dừng ở mức phỏng đoán hoặc bị coi là thuyết âm mưu.
Chỉ khi một người dùng trên diễn đàn công nghệ Reddit đưa ra bằng chứng cụ thể, Apple mới chính thức thừa nhận.
Apple nói rằng không nhận ra việc làm chậm iPhone lại khiến người dùng lo lắng, và rằng số liệu chẩn đoán không nói lên tất cả bản chất sự việc.
Thực tế, Apple từng khuyến cáo người dùng về tình trạng pin iPhone sụt nhanh từ năm 2014, đồng thời khuyên người dùng nên gửi máy tới trung tâm bảo hành để thay pin, tất nhiên họ vẫn phải trả phí.
Một trong những câu chuyện công nghệ đáng quan tâm nhất tháng 12 năm ngoái là thừa nhận làm chậm iPhone cũ của Apple và vai trò của người dùng với món đồ công nghệ mà họ sở hữu.
Vấn đề chính không phải chuyện Apple làm chậm iPhone mà ở chỗ hãng không thông báo cho người dùng về việc đó. Không rõ lý do tại sao công ty này không làm việc đó, hoặc đưa ra cách thức giúp người dùng thay pin mới dễ dàng hơn.
Không mất nhiều công sức và chẳng khó khăn gì nếu Apple đưa thông báo rõ ràng về vụ việc lên trang dịch vụ thay thế pin của công ty.
Hành động của Apple là lời nhắc nhở đầy ám ảnh rằng các thiết bị người dùng mua ngày nay không thực sự là của họ. Các thiết bị này có thể nâng cấp, hạ cấp, thậm chí bị nhà sản xuất vô hiệu hóa từ xa mà người dùng không biết hoặc không được hỏi ý kiến.
Lập luận này tương tự với logic nuôi sống thiết bị kia không còn là mạch điện vật lý thực hiện các tác vụ cho tới khi hỏng thì thôi mà là phần mềm được cấp phép, có thể bị sở hữu, loại bỏ hoặc vô hiệu hóa bất cứ lúc nào.
Phần mềm đó thường dựa trên các dịch vụ điện toán đám mây từ xa, tương tự có thể bị thay đổi hoặc đóng lại bất cứ lúc nào.
Nói cách khác, người dùng không còn quyền kiểm soát bất cứ khía cạnh nào của máy móc đang hiện diện xung quanh và xâm chiếm cuộc sống của họ, theo Forbes.
Tim Cook đích thân xin lỗi về sự cố làm chậm iPhone cũ.
“Thiết bị thông minh” đang đảm nhận nhiều công việc trong ngôi nhà. Ai mà biết rằng một này nào đó chiếc bóng đèn “thông minh” kia lại bị nhà sản xuất tắt từ xa vì chúng thắp sáng nhiều hơn khoảng thời gian cho phép, hoặc chiếc tủ lạnh thông minh đột nhiên không hoạt động do người dùng mở tủ quá nhiều so với quy định.
Mặc dù các lo ngại kiểu này dễ khiến người khác bật cười vì cho là viển vông, nhưng cách đây vài năm ai mà ngờ chiếc smartphone có thể bị can thiệp từ xa, chỉ với bản nâng cấp phần mềm đã có thể khiến nó chạy chậm mà người dùng lại không hề biết.
Ngày nay, chúng ta mua điện thoại mới theo chu kỳ nâng cấp hàng năm hoặc mỗi hai năm một lần. Những chiếc điện thoại cũ dễ dàng bị vứt bỏ.
Chưa bao giờ, TV, thiết bị âm thanh, máy tính, máy tính bảng, điện thoại và lò nướng bánh lại dễ dàng bị vứt bỏ đến như vậy.
Trước đây, khi các thiết bị này trục trặc, người dùng thường mang chúng đi sửa chữa vì chỉ mất ít chi phí. Nhưng nay, chi phí sửa chữa đôi khi còn đắt hơn cả mua mới.
Hòa cùng xu thế này, ngày càng nhiều thiết bị được gắn pin liền, không dễ thay thế nếu không có thiết bị chuyên dụng và kỹ năng chuyên môn.
Thời kỳ đầu của điện thoại, người dùng chỉ cần một viên pin dự phòng để thay thế khi cần nếu có nhu cầu sử dụng cao. Ngày nay, hình ảnh smartphone luôn gắn với cục sạc trở nên quen thuộc. Người dùng gần như đánh mất khái niệm dùng pin thay thế như trước đây.
Dĩ nhiên, thực tế đó không chỉ xảy ra với điện thoại di động. Hầu hết thiết bị điện tử dùng sạc hiện nay đều gắn pin liền. Ngay cả laptop cũng bỏ khay pin tháo cắm nóng và dùng pin liền.
Dễ nhận thấy vòng đời thiết bị điện tử hiện nay gắn chặt với tuổi thọ của pin. Nhà sản xuất thích điều này, còn người dùng thì không, chưa kể sẽ làm tăng nguy cơ rác thải điện tử.
Với thiết bị dùng pin rời, người dùng có thể mua pin thay thế dễ dàng, đồng thời vòng đời sử dụng thiết bị cũng cao hơn. Nếu chuyển sang pin liền, khi pin chai hẳn cũng là lúc thiết bị cần được thải loại.
Hy vọng từ scandal mới nhất của Apple, các nhà sản xuất thiết bị điện tử sẽ nhìn nhận nghiêm túc hơn về chính sách thiết kế sản phẩm, đồng thời tôn trọng người dùng hơn và ý thức hơn về tác động tới môi trường.
- Theo:Techrum -
Cung cấp hàng sỉ từ Mỹ:http://www.onncom.com/Xem chi tiết sản phẩm tại:http://www.onncom.com/apple-vi/