Cart is empty
Khi Sony ra mắt A7 III, người dùng lại một lần nữa choáng ngợp bởi một vài thông số tương đồng với những máy phân khúc cao hơn. Tất nhiên nếu xem xét thật kỹ thì nhà sản xuất đã định hướng rất rõ ràng phân khúc mà chiếc máy đó sẽ đem đến cho từng đối tượng người dùng. Giữa một chiếc máy ảnh công nghệ mới và tiện nghi hơn, hay dòng máy ảnh chuyên tạo ra những bức ảnh độ phân giải cao, bạn sẽ chọn cái nào? Bài viết sẽ điểm qua thông số kỹ thuật của A7 III so với các sản phẩm ít nhiều có cùng thông số hay công nghệ hiện có.
Định hướng của A7 II và A7R II trước đây
A7R II có thể xem là một bước ngoặt của Sony trong việc đưa công nghệ cảm biến BackSide Illuminated CMOS (Exmor R) vào trong dòng máy ảnh full-frame 35mm. Trước đó không phải Sony mà chính là Samsung với máy ảnh NX-1 đã tạo ra cảm biến BSI-CMOS APS-C kích thước lớn hơn 1” của Sony RX100. Chỉ tiếc là Samsung đã dừng mảng kinh doanh máy ảnh.
A7R II thực sự vượt trội hơn A7 II lúc đó về mọi mặt, từ cảm biến công nghệ cao hơn, đem lại dải ISO 51.200 và mở rộng đến 102.400, hệ thống lấy nét mới có khả năng nhận diện mắt, chưa kể nó còn quay phim 4K trực tiếp vào máy, hỗ trợ profile S-log2… (thay vì xuất tín hiệu HDMI ra bộ thu rời bên ngoài như A7S). Vì vậy những người trông chờ vào A7 III cũng không nghĩ Sony lại đem công nghệ cảm biến của A7R II áp dụng cho A7 III mới, dòng máy mirrorless full-frame cơ bản nhất của Sony.
Từ dòng Mark II đến dòng Mark III, sự khác biệt giữa hai phân khúc máy rất rõ ràng: một bên 24.2 MP có AA filter và một bên 42.2 MP không có AA filter, rõ ràng phiên bản R (Resolution) vẫn hướng đến người dùng cần chất lượng hình ảnh và độ phân giải cao hơn.
A7 III có cấu hình mạnh nhưng vẫn được xem là mẫu máy cho nhu cầu cơ bản của dòng full-frame
A7R III với độ phân giải 42.2 MP, lượt bỏ lớp AA filter để tăng cường độ nét của hình ảnh, chưa kể máy cũng được trang bị công nghệ Pixel Shift Multi Shooting. Việc Sony đưa cảm biến BSI-CMOS vào trong dòng máy full-frame mà họ gọi là cơ bản nhất thì rõ ràng nhà sản xuất muốn nâng tầm tính năng cho người dùng lên, mặc dù giá thành chênh lệch khá cao so với thế hệ trước.
Dù thừa hưởng hệ thống lấy nét của A9, A7 III chỉ sử dụng màn trập có tuổi thọ 200.000 lần chụp so với 500.000 lần của A7R III và A9. Con số này đủ để cho thấy dòng máy ở phân khúc cao hơn chắc chắn sẽ có độ bền cao hơn. Lưu ý: đây là con số tham khảo để những bức ảnh ra có chất lượng phù hợp với thông số của nhà sản xuất, không phải là số lần chụp dẫn đến nguy cơ hỏng màn trập ngay lúc đó.
Khối lượng của A7 III nhẹ hơn A7R III có thể không nhiều, tuy nhiên cấu trúc bên trong của máy với mặt sau của A7 III không được phủ hợp kim ma-giê như A7R III. Việc giảm bớt phần kim loại trên thân máy của A7 III cũng cho thấy sự khác biệt với dòng cao hơn.
Do hướng đến nhu cầu cơ bản, A7 III chỉ sử dụng EVF và màn hình LCD của thế hệ A7 trước đây: độ phân giải lần lượt là 2.36K điểm ảnh cho kính ngắm điện tử và 921K điểm anh cho màn hình LCD. Vẫn không hiểu được sao Sony lại cắt giảm hơi quá tay trong khi họ lại không dùng lại màn hình trên A7 II có độ phân giải 1.228K điểm ảnh.
Đối với người dùng A7R III, mẫu máy này có độ phân giải cao hơn nên cần được trang bị kính ngắm và màn hình chất lượng hơn, đáp ứng tốt hơn khả năng ngắm và lấy nét tay khi sử dụng ống kính MF.
Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi biết A7 III có hệ thống lấy nét với nhiều điểm hơn so với A7R III. Trước đây A7 từng có một hệ thống lấy nét lai (Fast hybrid-AF) kết hợp 117 điểm theo pha và 25 điểm tương phản của dòng NEX-5R thì A7R chỉ sử dụng hệ thống lấy nét tương phản 25 điểm giống chiếc NEX-7.
Tuy nhiên Sony không nói rõ tốc độ đáp ứng khi lấy nét là bao nhiêu, vì vậy rất có thể A7 III hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng khi đối đầu với chiếc A6500 thuộc dòng APS-C.
A7 III khi so sánh với A7R II
Được thừa hưởng thiết kế, tính năng từ A9, A7R III và cảm biến của A7R II. Rõ ràng A7 III bỗng nhiên được đem ra so sánh với chiếc máy cao cấp nhất một thời của Sony là A7R II. Cảm biến A7R II thực sự rất tốt, vẫn có sự khác biệt so với A7 III về độ phân giải và độ chi tiết bởi không có AA filter.
Tuy nhiên sự thay đổi về những tính năng bên ngoài và cải tiến của Sony sẽ cho người dùng lựa chọn giữa cảm biến và tính năng. Thực sự A7 III hấp dẫn bởi vi xử lý mạnh mẽ hơn, thời lượng pin dùng cao hơn, 2 khe cắm thẻ nhớ, hệ thống lấy nét mới hơn… Những người chưa thể tiếp cận với A7R III có thể vẫn sẽ hài lòng với A7R II bởi cảm biến nó vẫn rất tốt.
Mua máy nào với 3 lựa chọn A7 II, A7R II và A7 III?
Nếu không có nhu cầu quay phim 4K, A7 II chắc chắn vẫn là sự lựa chọn cho nhu cầu chụp ảnh full-frame cơ bản nhất. Sony không dễ gì nâng cấp nhẹ cho một chiếc máy đã ra mắt khoảng 4 năm. Mức giá hiện tại của A7 II vào khoảng 30 triệu đồng. (Giá hãng: 35,5 triệu đồng)
A7R II thực sự vẫn là một chiếc máy có chất lượng rất tốt, cộng với việc nó cũng đáp ứng nhu cầu quay phim 4K tương tự A7 III (chỉ thiếu HDR). Đổi lại cho yếu tố độ phân giải ảnh cao chính là tốc độ và công nghệ đã bị lùi lại so với A7 III.
A7 III dù có chung nền tảng công nghệ với A7R III nhưng việc giữ độ phân giải 24.2 MP giúp bộ nhớ đệm ghi lại nhiều hình ảnh hơn, tiết kiệm pin hơn. Vì vậy sẽ phù hợp cho việc chụp sự kiện cũng như nhiều mục đích khác, A7R III lại hướng đến người có nhu cầu chụp ảnh phong cảnh, cần khai thác hết từng pixel trong khung hình. Mức giá thực tế của A7R II cao hơn khoảng 400 USD so với A7 III tại B&H Photo Video (Mỹ). Xét theo mức giá 51,5 triệu của A7R II tại Việt Nam thì A7 III dự đoán rơi vào khoảng 44 - 46 triệu (giá thực tế).
Thay vì lựa chọn máy mới nhất, bạn vẫn có thể cân nhắc những sản phẩm hiện tại bởi nhu cầu và túi tiền là yếu tố chúng ta cân nhắc khi mua sắm.
Nguồn: tinhte